Lượt xem: 614

Sóc Trăng tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo dịch bệnh trên tôm nuôi

Sau thời gian dài “bão hòa” ở mức thấp, giá tôm nguyên liệu hiện đang có dấu hiệu tăng trở lại, tuy nhiên, chỉ tăng nhẹ ở mức 2.000 đồng/kg. Theo nhiều hộ nuôi, mức giá này vẫn còn khá thấp so với chi phí mà họ phải đầu tư cho cả vụ nuôi. Giá thu mua tôm chưa đạt như kỳ vọng trong khi tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp tại nhiều vùng nuôi. Rất nhiều giải pháp đã và đang được cơ quan chuyên môn tăng cường thực hiện nhằm giảm thiểu thấp nhất rủi ro thiệt hại trong mùa vụ sản xuất còn nhiều khó khăn.

 


Lấy mẫu giám sát dịch bệnh tại vùng nuôi.

 

    Mặc dù được khởi động từ tháng 1, nhưng đến thời điểm này, sản xuất tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng mới bắt đầu bước vào vụ nuôi chính vụ, nhu cầu tôm giống để thả nuôi vì vậy cũng tăng mạnh. Xác định rõ chất lượng giống là yếu tố then chốt quyết định đến sự thành/bại của vụ nuôi, lực lượng chuyên ngành đã phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát nguồn tôm giống nhập tỉnh nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển giống không có giấy kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh còn phối hợp cùng chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra đột xuất và lấy mẫu giám sát định kỳ tại các cơ sở sản xuất, thuần dưỡng tôm giống trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Nguyễn Hoài An - Cơ sở sản xuất tôm giống Gia Hóa Bình Minh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Nhằm đảm bảo cho bà con có được một vụ sản xuất thành công, chúng tôi tuân thủ đầy đủ giải pháp an toàn sinh học trong quá trình sản xuất, dương dưỡng. Hiện nay chúng tôi thực hiện 100% tôm bố mẹ là tôm Gia Hoá, đảm bảo sạch bệnh. Thức ăn cho tôm bố mẹ được hấp tiệt trùng trước khi đưa vào sử dụng. Đối với nguồn nước sử dụng trong quá trình sản xuất giống cũng được xử lý qua nhiều cấp lọc nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất”.

    Hiện nay, thời tiết đang vào mùa mưa, môi trường thường có nhiều biến động - đây là nguyên nhân khiến tôm dễ bị thiệt hại do dịch bệnh và các yếu tố môi trường. Nhằm kịp thời khuyến cáo tình hình dịch bệnh tại từng vùng nuôi, hạn chế phát sinh chi phí sản xuất khi tôm nuôi nhiễm bệnh; Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai 5 chương trình giám sát chủ động và bị động trên tôm. Đồng thời, chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các địa phương đồng hành sâu sát với hộ nuôi trong công tác thu mẫu xét nghiệm để kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả nhất. Kết quả, toàn tỉnh hiện đã ghi nhận trên 1.199 ha tôm nuôi thiệt hại, chiếm 3,3 % tổng diện tích thả nuôi. Trong đó, tôm bị thiệt hại do bệnh đốm trắng là 16,7%, do yếu tố môi trường 60%, bệnh gan tụy 16,9%, vi bào tử trùng 2,9% và phân trắng 3,5%. Định kỳ, các kết quả quan trắc môi trường và dịch bệnh sẽ được gửi về Trạm Chăn nuôi và Thú y, Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố để thông báo đến các tổ hợp tác, hợp tác xã và người nuôi, nhằm giúp họ chủ động hơn trong sản xuất và phòng, chống dịch bệnh. Đồng chí Nhan Trung Nghĩa - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Vĩnh Châu cho biết thêm: “Về quy trình khai báo dịch bệnh tại địa phương, thì khi người dân có tôm nuôi bị thiệt hại sẽ báo ngay cho chính quyền địa phương, Trưởng Ban Nhân dân khóm, ấp hoặc nhân viên thú y các xã, phường. Sau đó nhân viên thú y xã, phường sẽ báo về Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã. Ngay khi nhận được tin báo, chúng tôi sẽ cử nhân viên xuống để xác minh, lấy mẫu các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu kết quả dương tính thì chúng tôi sẽ thành lập đoàn để xuống vùng nuôi tiến hành các bước dập dịch nhằm tránh lây lan ra diện rộng”.

    Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện đã thả nuôi được 50.882,8 ha, đạt 68,8% so với kế hoạch. Diện tích thiệt hại trên tôm mặc dù đã thấp hơn so với cùng kỳ, nhưng theo tâm lý chung, nhiều hộ nuôi vẫn còn khá e dè trong việc thả nuôi. Bởi với mức giá thu mua như hiện tại, nguy cơ thua lỗ là rất cao nếu tôm không may nhiễm bệnh. Hiện nay, các bệnh nguy hiểm trên tôm chủ yếu là bệnh do virus, khi dịch bệnh xảy ra thường có tốc độ lây lan nhanh và chưa có biện pháp điều trị hiệu quả. Do đó, phòng bệnh nay từ đầu để hạn chế chi phí phát sinh trong điều trị được xem là giải pháp an toàn nhất trong mùa vụ sản xuất năm nay. Đồng chí Đào Văn Bảy – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Về phía ngành sẽ tiếp tục tăng cường gám sát các dịch bệnh trên tôm để phát hiện kịp thời các bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tuỵ cấp hay vi bào tử trùng... Tại những ao đã xảy ra thiệt hại, chúng tôi sẽ lấy mẫu về phân tích. Khi phát hiện bệnh trên ao nuôi đã lấy mẫu, chúng tôi sẽ khẩn trương khuyến cáo đến hộ nuôi quy trình xử lý để tránh tái diễn lại các bệnh này trong vụ nuôi tiếp theo. Đồng thời, tiến hành xử lý bằng hoá chất để dịch bệnh không lây lan rộng ra vùng nuôi”.

    Nhiều năm liền, tỷ lệ thiệt hại trên tôm nuôi tại tỉnh Sóc Trăng luôn được khống chế dưới hai con số. Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của cơ quan chuyên môn trong công tác tầm soát và cảnh báo kịp thời nguy cơ dịch bệnh. Câu chuyện về giá tôm nguyên liệu hiện vẫn đang là vấn đề thời sự rất được quan tâm của ngành Thủy sản Việt Nam, đây cũng là vấn đề “nan giải” của cơ quan quản lý nhà nước, bởi việc tăng hay giảm của giá thu mua tôm phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu tiêu dùng tại các nước nhập khẩu. Vì vậy, chủ động các giải pháp phòng bệnh để lấy “sản lượng” bù cho “lợi nhuận”, được xem là giải pháp tối ưu giúp ngành Tôm Sóc Trăng tìm được cơ hội vượt khó trong bối cảnh hết sức khó khăn như hiện nay.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 70
  • Hôm nay: 3547
  • Trong tuần: 72,880
  • Tất cả: 11,866,907